Posted by : Unknown 17/7/12

Ngành công nghệ cao của Canada đang đứng trước nguy cơ bị “tan biến” khi những tên tuổi lớn trong ngành này ngày càng bị suy giảm. Nguyên nhân là vì đâu và liệu có còn hi vọng?

Ảnh
Liệu ngành công nghệ cao của Canada có biến mất khi những công ty lớn như RIM cũng đang “chật vật”?

Mất dần vị thế

Tập đoàn cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khỏe SXC đã rời trụ sở từ Milton, Ontario, Canada tới khu vực Chicago, Mỹ cách đây một thập kỉ. Tập đoàn này đã phát triển nhanh như nấm và trở thành một trong những nhà cung cấp phần mềm quản lí thuốc hàng đầu cho nhân viên và chính phủ chủ yếu tại Mỹ. SXC rất thành công, cổ phiếu của công ty này tăng 6 lần trên thị trường chứng khoán Toronto trong 3 năm qua, giúp cho SXC có giá trị gần 10 tỉ USD trị trường chứng khoán, nhiều gấp đôi so với RIM.
Đây là một tín hiệu vui với các cổ đông của SXC, nhưng trong một ý nghĩa nào đó, thì lại là một mối lo ngại lớn cho ngành công nghệ cao Canada khi SXC giờ chỉ còn lại 35 nhân viên tại Canada. Trong khi đó, RIM, một tên tuổi công nghệ hàng đầu của Canada trong nhiều thập kỉ qua, đang “chật vật” để tồn tại.
Trong thực tế, ngành công nghệ cao của Canada đang dần mất đi vị thế của nó. Các công ty công nghệ cao hiện chỉ còn chiếm 1,6% chỉ số chứng khoán của Canada, giảm mạnh so với 41% tại đỉnh điểm của bong bóng công nghệ hồi tháng 7/2000 khi tập đoàn thiết bị điện thoại nổi tiếng Nortel Networks chiếm hơn một phần ba chỉ số này. Sự sụt giảm mạnh này không chỉ do sự sụp đổ của Nortel mà còn là sự biến mất của nhiều tên tuổi công nghệ cao tại Canada với một tốc độ đáng báo động. Năm ngoái, 45 công ty công nghệ cao của Canada đã bị thâu tóm bởi các công ty nước ngoài, chủ yếu là Mỹ.
Theo những người quan sát trong ngành, thì hầu hết các công ty này đã bị thâu tóm quá sớm, trước khi chúng có cơ hội để phát triển thành một công ty lớn hơn. Lỗi được chỉ ra là do cái mà họ gọi là một hệ thống tài chính "bị hỏng", bắt đầu với việc các nhà đầu tư quá cảnh giác, nhút nhát; các công ty đầu tư mạo hiểm bị thiếu tiền và thiếu kinh nghiệm.
Nhiều công ty đầu tư trên phố Bay (Bay Street), trung tâm kinh tế của Canada đã mất hứng thú với ngành này và chuyển sang ngành khai thác dầu mỏ. Các ngân hàng đầu tư cũng đang giảm bớt tiền vào nghiên cứu cho công nghệ.
Nếu không có các công ty lớn ở đầu “chuỗi thức ăn” công nghệ cao và các công ty trung bình cũng biến mất thì có thể toàn bộ ngành công nghiệp này sẽ “bị thiếu oxy” và biến mất. Ông Adam Chowaniec, một trong những doanh nhân thành công nhất trong ngành công nghệ cao của Canada và là chủ tịch của Startup Canada, một tổ chức giúp các doanh nhân cho biết: "Bạn cần toàn bộ hệ sinh thái, từ các công ty lớn đến các cửa hàng kinh doanh. Nếu bạn không có hệ sinh thái đó, bạn sẽ gặp khó khăn. Công ty lớn chính là những công ty phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành, tuyển dụng những tài năng có tên tuổi lớn từ nước ngoài, khai thác các dịch vụ của các công ty địa phương khác và là nguồn tạo tiềm lực cho các công ty mới thành lập.
Nhưng sự suy giảm đang tiếp tục diễn ra của một ngành có mức lương cao, lao động trí thức và có nhiều đổi mới cũng có thể dẫn đến một nền kinh tế dựa trên tài nguyên, trong đó sẽ có sự tăng giá cả hàng hóa trong thời gian dài. Do vậy, chính phủ liên bang đã để mắt tới việc này. Chính phủ gần đây đã thông báo sẽ đổ thêm 400 triệu USD vào các công ty đầu tư mạo hiểm Canada, và Bộ trưởng Tài chính, Jim Flaherty đã nhờ Sam Duboc, một trong những nhà đầu tư mạo hiểm thành công nhất của Canada đưa ra một số lời khuyên về cách sử dụng khoản tiền này một cách tốt nhất. Nhưng liệu điều này đã đủ để tạo ra một môi trường có thể sinh ra một RIM tiếp theo?

Ảnh
Thế giới đã chứng kiến sự sụp đổ của tập đoàn thiết bị điện thoại nổi tiếng Nortel Networks cùng sự biến mất của nhiều tên tuổi công nghệ cao Canada.

Vấn đề tiền bạc

Một công ty được đặt hi vọng lớn nhất trong bối cảnh công nghệ ở Canada là Shopify. Đây là một công ty tư nhân, được thành lập và lãnh đạo bởi nhà phát triển phần mềm người Đức 31 tuổi, Tobias Lutke. Shopify bắt đầu hoạt động cách đây 6 năm, chuyên về bán tấm chắn tuyết trực tuyến trước khi cấp bản quyền phần mềm thương mại điện tử cho các công ty khác. Hiện, Shopify có hơn 25.000 khách hàng; từ các công ty lớn như tập đoàn đa quốc gia Mỹ kinh doanh về năng lượng, công nghệ, cơ sở hạ tầng, vốn tài chính General Electric cho tới nhóm nhảy LMFAO, đều sử dụng phần mềm của Shopify để thiết lập nhanh chóng các cửa hàng trực tuyến.
Doanh thu của Shopify tăng tới hơn 100%/năm. Ông Lutke đã gặp rất ít khó khăn trong việc huy động tiền từ các nhà đầu tư và hi vọng sẽ đưa công ty của mình ra sàn chứng khoán trong vòng 4 đến 5 năm nữa. Hầu hết các nguồn tài chính của công ty là từ các nhà đầu tư mạo hiểm Mỹ.
Bruce Lazenby, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Invest Ottawa, cơ quan tài trợ kích thích kinh tế, cho biết hiện có gần 2.000 công ty công nghệ ở khu vực Ottawa, nhiều hơn gấp 4 lần so với một thập kỉ trước. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tiền, thiếu sự quan tâm của các nhà đầu tư vào Canada.
Tệ hơn nữa, theo một nghiên cứu năm 2009 của Tập đoàn kinh doanh và marketing Impact Group trên 18 công ty mới thành lập bị phá sản hoặc bị mua lại, thì những công ty đầu tư mạo hiểm Canada thiếu kinh nghiệm trong việc đầu tư vào các công ty mới thành lập. Ông Scott Clark, cộng sự của quỹ đầu tư Covington Funds, một trong những công ty đầu tư mạo hiểm thành công ở Canada cho biết: "Ở Canada, chúng ta không có khả năng đưa công ty đi từ đầu đến cuối. Thách thức lớn nhất của họ là phải tìm được vòng vốn thứ hai". Kết quả là, những công ty công nghệ mới thành lập của Canada thường chỉ gây được một phần ba quỹ so với ở Mỹ và thường bị các nhà đầu tư bán đi trước khi có thể phát triển lớn hơn. Ông Lutke cho biết: “Tôi không biết bạn sẽ làm thế nào để tạo ra một công ty tỉ đô trong một môi trường như vậy”.

Hi vọng

Những “gã khổng lồ công nghệ” đang suy yếu của Canada có thể lo lắng với những khó khăn hiện tại, nhưng họ vẫn chưa từ bỏ; và có một số tia hi vọng khác cho ngành công nghệ cao Canada. Code Cubitt, một nhà đầu tư mạo hiểm Canada có cái tên kì quặc đã có một năm thành công trong ngành công nghệ cao tại Mỹ. Lazenby của Invest Ottawa đã mời Cubitt cùng thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Ottawa. Cubitt đã đồng ý và quỹ này đã được thành lập. Ông đã gây được quỹ 2 triệu USD chỉ sau hai tuần và đang hướng đến mục tiêu ban đầu là 10 triệu USD vào mùa thu tới. Cubitt cho biết: “Không có nghi ngờ gì về việc ở khu vực này có rất nhiều công ty tài năng nhưng lại bị thiếu vốn. Tôi đã quan sát được là những công ty này chẳng kém gì các công ty ở Mỹ mà tôi đã từng đầu tư”. Ngành công nghệ cao của Canada liệu có phục hồi với những gì đang có như trong nhận định của một chuyên gia đã đầu tư thành công tại Thung lũng Silicon?
Theo ICTnews/The globe & mail

{ 0 nhận xét }

Welcome to Zhu's Blog

Bài viết ngẫu nhiên


\
[close]

Fanpage

Số người Online

Trang thông tin điện tử, tin tức xã hội, tin công nghệ, trao đổi kiến thức
Copyright © 2013 Design by Johanes DJ
Devenlopment by Zhu
Email: izukroyal@gmail.com