Posted by : Unknown
22/8/12
Mỗi tuần, người ta lại bắt gặp hình ảnh mới về vỏ hay linh kiện được cho là của iPhone 5 cũng như các bằng chứng cho thấy máy sẽ được công bố tháng 9. Thông tin rò rỉ về Apple đang khiến giới công nghệ đặt dấu hỏi lớn.
Liệu Apple không còn tạo được hàng rào bí mật quanh sản phẩm của mình? Hay họ đang ngày càng cao tay hơn trong việc "dắt mũi" giới truyền thông và cộng đồng mạng?
Apple vốn nổi tiếng là một trong những công ty có khả năng giữ bí mật giỏi nhất thung lung Silicon. Các bộ phận thiết kế, phát triển phần cứng và phần mềm hoạt động tách biệt bên trong những căn phòng khóa kín tại trụ sở ở Cupertino (Mỹ), nên chỉ một vài lãnh đạo cao cấp của hãng này biết sản phẩm cuối trông như thế nào.
Trước khi trình làng thiết bị mới, thông tin dưới dạng "bị lộ" vẫn đều đặn xuất hiện, nhưng được cho là do chính Apple thâu tóm đằng sau. John Martellaro, từng giữ chức Giám đốc marketing của "Quả táo", tiết lộ vào năm 2010: "Khi còn là giám đốc tiếp thị tại Apple, tôi được hướng dẫn tạo tin đồn có kiểm soát. Một lãnh đạo cao cấp sẽ nói với tôi: 'Chúng ta cần công bố điều này, ông có quen ai đáng tin trong giới truyền thông không? Nếu có, hãy gọi cho họ và nói chuyện, vu vơ nhắc đến và nói rằng nếu đăng thì cũng không sao. Tuyệt đối không dùng e-mail'. Apple không sử dụng e-mail vì nội dung có thể sẽ bị lưu làm bằng chứng không hay. Cả hai bên sau đó đều có thể phủ nhận hoặc đơn giản nói rằng thông tin đã bị hiểu lầm. Đó là cách bảo vệ cả Apple lẫn tờ báo. Họ đã làm thế từ nhiều năm nay nhằm xây dựng hình ảnh kiên định rằng họ không bao giờ tuyên bố chính thức về sản phẩm chưa được công bố".
Do vậy, người ta có thể thấy các tấm hình mờ nhạt, không hoàn chỉnh trên trang này hay vài thông số cấu hình trên website khác, nhưng không ai biết máy có kiểu dáng thế nào hay lễ ra mắt bao giờ diễn ra. Chiến lược marketing của Apple đã được tiến hành hoàn hảo trừ sự cố để quên iPhone 4 ở quán bar cách đây 2 năm.
Năm nay, dường như "ác mộng" đó lại trở lại khi có quá nhiều thông tin bị phát tán trên mạng khiến người ta còn có thể dựng mô hình về iPhone 5: kiểu dáng vẫn giữ nguyên như iPhone 4S nhưng màn hình 4 inch, máy dài hơn, mỏng hơn, dock nhỏ hơn. Cộng đồng mạng cũng biết các linh kiện bên trong gồm những gì, giắc cắm tai nghe, loa... được đổi vị trí ra sao. Thậm chí, có trang web còn cho người dùng "mượn" vỏ iPhone với giá gần 8.000 USD/ngày.
Tiếp đó, nhiều trang như The Loop, iMore... đăng tin Apple sẽ tổ chức sự kiện vào ngày 12/9 trước khi bán ra iPhone mới vào 21/9. Thông tin đó tiếp tục được củng cố khi một nhân viên của Verizon tiết lộ với TechCrunch rằng nhà mạng Mỹ này đã ra lệnh cấm nhiên viên đi nghỉ trong thời gian từ 21/9 đến 30/9. Tuy không nói lí do, nhiều người hiểu rằng vào thời điểm đó, Verizon sẽ phải làm việc hết công suất để phục vụ hàng dài những người mua sản phẩm mới.
Trong khi đó, công ty viễn thông Mobilcom-Debitel của Đức đăng trên website: "Trong tháng 9, một smartphone thế hệ mới sẽ được bán ra. Liệu đây là cái nóng mùa hè hay cái nóng của những tin đồn đang ngày càng tăng? Điều đó đang đến gần - một chiếc smartphone mới mà cả thế giới chờ đợi".
Nếu như tất cả những thông tin trên là đúng, thì "Phone 5 không còn bí mật nữa. Chắc chắn không ai biết được hết mọi thứ về thiết bị, nhưng như thế cũng là quá đủ với người hâm mộ.
Có nhiều nguyên nhân lí giải thông tin bị lộ. Thứ nhất, có thể do nguồn cung ứng linh kiện tại Trung Quốc và một số nơi khác trên thế giới đã không còn "sợ" Apple sau khi vị thủ lĩnh với lối quản lí khắc nghiệt Steve Jobs qua đời còn Tim Cook lại quá nhã nhặn.
Có ba ví dụ rõ ràng cho sự đối lập này. Vào tháng 6/2012, sau khi bị chỉ trích vì không tuân theo chứng nhận "công nghệ xanh" EPEAT của San Francisco, Apple đã rút khỏi EPEAT và yêu cầu tổ chức môi trường này gạch tên toàn bộ 39 sản phẩm của mình. Nhưng chỉ 1 tuần sau đó, họ viết thư xin lỗi người dùng và thừa nhận đó là hành động sai lầm. "Xin lỗi" là điều hiếm khi nghe thấy từ Apple. Ngay cả khi iPhone 4 bị lỗi ăng-ten dẫn đến tình trạng mất sóng, Steve Jobs lập tức đổ cho khách hàng "cầm điện thoại sai" rồi sau đó xoa dịu họ bằng những bộ case miễn phí.
Khi đối mặt với quá nhiều chỉ trích về sự đối xử bất công với công nhân nhà máy Foxconn, Apple đã lần đầu tiên cho phép một nhà báo (của ABC News) tới thăm dây chuyền sản xuất iPhone và iPad - điều mà Steve Jobs chưa từng đồng ý bởi đó là bí mật. Gần đây nhất, Apple rút lại loạt quảng cáo "Genuis" khi bị báo chí và người hâm mộ phản ứng.
John Biggs của TechCrunch lại có lí giải khác rằng iPhone 5 sẽ có một số thay đổi lớn (như dock nhỏ hơn) nên Apple cần kiểm tra phần cứng kĩ càng hơn. Một số nhà sản xuất thiết bị ngoại vi nhận được bản dùng thử (demo) và cố tình phát tán lên mạng sau lưng Apple.
Tuy nhiên, có bao giờ bạn đọc các thông tin rò rỉ về iPhone và hi vọng đó không phải sự thực? Không phải vì bạn thờ ơ với sản phẩm, mà bạn muốn cảm nhận sự bất ngờ mà Apple mang đến trong mỗi lễ công bố iPhone và iPad. DigitalTrends cũng tin như vậy. Trang công nghệ này cho rằng Apple vẫn là hãng bậc thầy về kiểm soát thông tin. Những linh kiện bị lộ kia chỉ là giả, hoặc chúng không được đưa vào mẫu iPhone cuối cùng. Chúng chỉ là "mồi nhử" của Apple để mọi người chú ý vào trong khi iPhone thế hệ 6 sẽ hoàn toàn khác.
Bên cạnh đó, vụ kiện giữa Apple và Samsung tại Mỹ (sẽ kết thúc tuần này) cho thấy "Quả táo" đã làm ra tới hơn 40 bản prototype mới chọn ra được vài thiết kế cho Phone. Do đó, rất có khả năng những linh kiện kia là "mẫu thử" chứ chưa chắc đã được duyệt để tích hợp trong phiên bản chính thức.
Theo Số Hóa
Bài viết liên quan :
- Trang chủ »
- Điện thoại , Thông tin công nghệ , Tin tức »
- Tin đồn iPhone 5: Ác mộng hay chiêu bài của Apple?
{ 0 nhận xét }