Vài
tuần nay, nhiều tòa nhà cao tầng ở TP.HCM thường xuyên xuất hiện loại
côn trùng là thủ phạm trước đây đã gây ra dịch ngứa, lở loét da cho sinh
viên ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức). Đó là côn trùng có tên
tiếng Anh Rove Beetle, người dân hay gọi là kiến 3 khoang.
Ông Thắng, ngụ căn hộ số 602 (lầu 6, tòa
nhà Hoàng Anh Gia Lai 2, Q.7), cho biết: “Gia đình tôi cả 4 người đều bị
tổn thương da (ở cổ, cánh tay và đùi) vì dịch tiết của chúng. Khi nó
bâu vào người sẽ tiết dịch gây ngứa rất khó chịu, sau đó da bị phồng lên
và bọng nước, rồi bể ra, phải bôi thuốc cả tuần mới hết”. Căn hộ của
gia đình chị Xuân Trang gần gia đình ông Thắng cũng bị Rove Beetle xâm
nhập khiến 2 người bị ngứa. Nhà anh L.C.T (ở tầng 14, chung cư Lotus
Garden, Q.Tân Phú) một tháng nay bị Rove Beetle tấn công. Chị L.T.A.T
(23 tuổi, ở lầu 6 chung cư Chín Tây, Q.7) cho biết nơi đây cũng bị côn
trùng vào nhà.
Côn trùng Rove Beetle tấn công chung cư ở Q.Tân Phú - Ảnh: Hà Minh
|
Những ngày qua, nhiều hộ dân ngụ chung cư
Bình Khánh (P.An Phú, Q.2) cũng bị Rove Beetle gây ngứa. Bạn Lâm (sinh
viên ĐH KHXH-NV TP.HCM) cho biết khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM
(Q.Thủ Đức) cũng tái xuất hiện rải rác loại côn trùng nói trên.
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu (Giám đốc Trung
tâm y tế dự phòng TP) cho biết ông vừa phối hợp y tế dự phòng Q.2 đến
khảo sát, xử lý Rove Beetle tại chung cư Bình Khánh, Q.2. “Đoàn ghi nhận
loại côn trùng này sống ở các lùm cây trên cao gần chung cư, khi có
những luồng gió thì chúng bay vào nhà. Nơi nào thấy chúng xuất hiện thì
nên ngủ mùng; đóng kín cửa nếu ban đêm mở đèn sáng (vì chúng rất thích
ánh đèn). Nếu lỡ bị chúng tiếp xúc gây ngứa thì cần vệ sinh sát trùng
ngoài da, nếu ngứa thì dùng thuốc chống dị ứng, chứ không nên gãi”, ông
Siêu nói.
Đợt dịch gây ngứa và làm viêm da bởi côn
trùng Rove Beetle xảy ra rầm rộ lần đầu vào tháng 1.2007, tập trung
nhiều nhất ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức), và Trường
CĐSP mẫu giáo T.Ư 3 (Q.9) - với gần 200 sinh viên bị. Rove Beetle tái
xuất hiện vào tháng 3.2007 và năm 2011 (Báo Thanh Niên đã từng phản ánh).
Có thể xử lý môi trường để diệt amip được không ?
Liên
quan đến trường hợp nam bệnh nhân 25 tuổi (thường trú tại Phú Yên) -
người nhiễm amip Naegleria Fowleria và bị tử vong, sau khi bơi dưới ao
hồ, nhiều người thắc mắc y tế dự phòng có xử lý mầm bệnh được không,
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu (Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM) nói:
Không như lăng quăng, muỗi, ruồi, côn trùng khác..., ký sinh trùng amip
hiện diện trong nước ngọt thiên nhiên, nhất là nước ao hồ, và không có
thuốc sát trùng khử khuẩn amip như các loại nói trên. Việc phòng ngừa
chính là ăn uống đảm bảo vệ sinh. Hơn nữa, việc bị amip Naegleria
Fowleria gây bệnh là rất hiếm, nên người dân không quá lo lắng.
Khánh Vy
|
Thanh Tùng - Hà Minh
{ 0 nhận xét }