Posted by : Unknown
24/6/13
Qualcomm gần như thống trị thị trường chip di động với hơn một nửa sản lượng và gần như toàn bộ thị phần chip viễn thông LTE/4G. Intel dù đã chiếm gần trọn thị trường PC không thể bỏ qua một vận hội lớn ở sân chơi di động. Cuộc ganh đua giữa hai nhà sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới hiện nay sẽ đi về đâu?
Qualcomm có thể thống trị thị trường chip di động vào lúc này nhưng một thực tế là thương hiệu của nhà sản xuất này lại chưa được nhiều người dùng biết đến, bất chấp sự hiện diện rộng rãi trong các sản phẩm di động Android. Muốn khẳng định vai trò “số 1”, Qualcomm phải xây dựng tên tuổi của mình thành một thương hiệu thay vì chỉ giới hạn ở mức nhà cung cấp linh kiện. Trong khi đó, tên tuổi của Intel đã gắn liền với máy tính cá nhân và máy chủ hàng chục năm nay. Chính vì thế, việc gia nhập thị trường di động vào lúc này có nhiều điểm thuận lợi cho Intel. Tuy vậy, vấn đề lớn nhất và cũng nan giải nhất của Intel là phải thay đổi công nghệ của mình, vốn dựa trên kiến trúc x86 già nua sao cho phù hợp với môi trường di động - đặc biệt là liên minh Wintel của mình – để có thể đủ sức mạnh cạnh tranh với Qualcomm. Bản thân Intel cũng nhận thấy rõ đối thủ mạnh này và từng tuyên bố Qualcomm mới là kẻ cần lo ngại trong giai đoạn phát triển từ 2012 trở đi.
Không có chip LTE/4G tích hợp, những sản phẩm như Tegra 4 hay OMAP sẽ phải tính đường hướng tới những môi trường điện toán khác. |
Trong bối cảnh đó, cả Intel và Qualcomm đều đã tận dụng CES 2013 để khởi động cuộc chơi di động của mình một cách nghiêm túc. Intel đã ra mắt các mẫu máy tính bảng SoC (system on chip) Atom dòng Bay Trail-T với thiết kế tương thích cho cả Windows 8 và Android. Nền tảng 22nm với bốn nhân xử lý được mở rộng dựa trên các chip Atom Medfield này cho hiệu năng gấp đôi và thời lượng sử dụng pin dài hơn đáng kể so với các mẫu hiện hành. Điều đặc biệt ở đây là Bay Trail-T có thể chạy cả Windows truyền thống lẫn Android – một ưu thế rất lớn so với các bộ xử lý ARM hiện tại. Phiên bản Surface dùng chip ARM của Microsoft chỉ có thể sử dụng Windows RT và các ứng dụng cần phải được viết lại mới có thể chạy trên đó. Ngoài ra, cũng theo kế hoạch của hãng, mẫu chip Merrifield 22nm (kế tiếp Atom Medfield) dành cho điện thoại thông minh (giới thiệu lần đầu vào tháng 5-2012) được ra mắt ngay trong Mobile World Congress diễn ra vào tháng 2-2013. Về phần mình, Qualcomm đã thể hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu cho các chip vi xử lý của mình với buổi trình diễn đầy ấn tượng của CEO Paul Jacobs (cùng sự hiện diện của hàng loạt sản phẩm Snapdragon thế hệ mới).
LTE/4G – bài toán khó cho Intel, lợi thế của Qualcomm
Trong khi phần lớn người dùng hình dung cuộc chiến di động hiện tại xoay quanh Apple và Samsung với các nền tảng iOS và Android thì điều thú vị là nó lại đang diễn ra ngay giữa các nhà sản xuất SoC và không chỉ ở một mặt trận. Thực tế, một yếu tố mang tính quyết định cục diện ít ai ngờ tới là khả năng tích hợp công nghệ mạng LTE/4G. Hiện tại dù có khá nhiều nhà sản xuất SoC nhưng chỉ một số ít thực sự có thể tạo ảnh hưởng đến thị trường bởi họ có cả công nghệ vi mạch, năng lực sản xuất và quan trọng hơn cả là sở hữu các sáng chế liên quan công nghệ LTE/4G – yếu tố không thể thiếu trong môi trường di động. Số này bao gồm Intel, NVIDIA, Qualcomm, Samsung và MediaTek. Vấn đề nằm ở chỗ, trong khi phần lớn những cái tên vừa nêu có năng lực sản xuất phần xử lý của SoC khá mạnh thì bài toán LTE/4G vẫn hết sức nan giải đối với họ.LTE/4G – bài toán khó cho Intel, lợi thế của Qualcomm
Theo nghiên cứu của Article One Partners, chỉ có Samsung và Qualcomm là nắm giữ số bằng sáng chế LTE/4G đủ lớn (với khoảng 12,2% tổng số cho mỗi bên) để có thể tự tin. Trong khi đó, số còn lại đều ít nhiều đứng trước sự thiếu hụt hoặc sẽ phải phụ thuộc vào các hãng khác như Nokia (18,9%), Ericsson (11,6%) hay LG (7,5%)… Một ví dụ điển hình là NVIDIA Tegra 4, dù có năng lực xử lý mạnh mẽ nhưng SoC này vẫn chưa tích hợp công nghệ LTE/4G hoàn chỉnh mà phải viện đến giải pháp hỗ trợ mềm. Do vậy, Tegra 4 sẽ không thể cạnh tranh nổi với đối thủ như Snapdragon của Qualcomm.
Tương tự như vậy, Intel đã từng thể hiện khá thành công khi sản xuất Atom Medfield cho mẫu Motorola Droid Razr I. Theo những thử nghiệm thực tế so sánh với Droid Razr M (cùng thiết kế nhưng sử dụng SoC của Qualcomm), phiên bản với chip Intel cho hiệu năng và khả năng tiết kiệm điện tương đương trong khi có khả năng tương thích phần mềm tốt hơn. Hoành tráng hơn, cũng trong CES 2013, bên cạnh Bay Trail-T, Intel đã gây sốc với nhiều đối thủ khi ra mắt mẫu Ivy Bridge với mức điện tiêu thụ chỉ 7W (Y-series) và tuyên bố đã bắt đầu chuyển tới các nhà sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng. Tuy vậy, cũng giống với NVIDIA, Intel vẫn vấp phải bài toán khó về LTE/4G.
Dựa trên ưu thế lớn về công nghệ viễn thông, Qualcomm đang chiếm thị phần cao trong việc cung cấp chip cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh với giải pháp xử lý - viễn thông trọn vẹn. Phó chủ tịch Tim McDonough phụ trách tiếp thị đã từng tuyên bố “Qualcomm đang tiến tới việc ra mắt thế hệ chip LTE/4G thứ hai của mình đồng thời thử nghiệm thế hệ thứ ba. Trong khi đó các đối thủ vẫn chưa thể công bố hay ra mắt phiên bản đầu tiên của họ”.
Intel – lối đi nào sẽ phù hợp?
Thương hiệu và mạng lưới đối tác sẽ là ưu thế không bàn cãi của Intel. |
Việc cung cấp các chip LTE/4G cho những nhà sản xuất điện thoại thông minh hay máy tính bảng sẽ là một mốc quan trọng mà Intel cần vượt qua trong nửa đầu 2013 này.
Có thể thấy rằng, hiện tại lịch trình của các sản phẩm Atom của Intel vẫn đang không đồng bộ với LTE/4G. Tuy nhiên với lộ trình sản phẩm hiện tại, một mẫu SoC hoàn thiện nhiều khả năng sẽ hiện diện trong 2014 – khi quy trình sản xuất của hãng đạt mức 14nm. Bên cạnh đó, để rút ngắn khoảng cách với đối thủ, Intel sẽ chủ động tạo ra các thiết kế gốc cho điện thoại thông minh và máy tính bảng, sau đó nhường lại cho các đối tác sản xuất tối ưu hoá theo cách riêng (dĩ nhiên là với các linh kiện Intel) trước khi đưa ra thị trường. Đây là chiến lược gần tương tự với Ultrabook vốn khá thành công hiện nay. Thậm chí trong trường hợp cần thiết đẩy nhanh tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường, hãng cũng có thể sử dụng kênh phân phối rộng khắp của mình để cung cấp các mẫu điện thoại thông minh của mình ra thị trường mà không cần phụ thuộc vào các nhà mạng viễn thông. Một thực tế hiển nhiên là mức độ thành công của Intel trên sân chơi di động sẽ có thể đồng nghĩa với “thiệt hại” của Qualcomm.
Tuy vậy, với vị trí hàng đầu trong thị trường di động và năng lực thiết kế mạnh mẽ, Qualcomm trước mắt có thể không chịu sức ép lớn từ Intel. Nhưng về lâu dài, việc đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển (khoảng 10-20% doanh thu) có thể sẽ giúp Intel đạt được thế cân bằng trong cuộc đua với Qualcomm.
Nhìn chung, chắc chắn năm 2013 sẽ là giai đoạn cuộc chiến bán dẫn trong mảng sản phẩm di động nóng hơn bao giờ hết. Sự háo hức muốn thể hiện mình của Intel, tham vọng xây dựng thương hiệu mạnh mẽ của Qualcomm, cùng những đối thủ tiềm năng sẽ đưa cộng đồng công nghệ đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác trong suốt năm mới này.
Nguồn: pcworld
{ 0 nhận xét }